Nga giảm khí đốt ? Châu Âu bấn loạn.
TTO – Việc Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 gây khó cho châu lục này giữa lúc khủng hoảng năng lượng leo thang.
Kể từ ngày 27-7, Gazprom thông báo bắt đầu cắt giảm lượng khí đốt của Nga cung cấp qua Nord Stream 1 xuống còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất của đường ống này và giảm một nửa so với trước đó.
Đức tố Nga “hai mặt”.
Cứ ngỡ Liên minh châu Âu (EU) sẽ thở phào nhẹ nhõm sau khi Gazprom tái khởi động Nord Stream 1 vào tuần trước (hoạt động ở mức 40% công suất, tương đương 67 triệu m3/ngày) sau 10 ngày khóa van để bảo trì. Tuy nhiên thông báo mới nhất của Gazprom khiến các nước châu Âu bắt đầu lo lắng.
Gazprom giải thích việc giảm nguồn cung khí đốt là do họ ngừng hoạt động thêm một tuabin tại trạm khí nén Portovaya vì “vấn đề kỹ thuật”. Công suất bình thường của đường ống Nord Stream 1 là hơn 160 triệu m3 khí đốt mỗi ngày. Việc ngừng hoạt động tuabin này sẽ làm giảm xuống còn 33 triệu m3/ngày.
Trong khi đó Bộ Kinh tế Đức nói: “Chúng tôi đang theo dõi rất sát tình hình và trao đổi chặt chẽ với Cơ quan Mạng lưới liên bang cùng nhóm xử lý khủng hoảng khí đốt. Theo thông tin của chúng tôi, không có lý do kỹ thuật nào cho việc giảm lượng khí đốt cung cấp”. Trao đổi với Hãng tin DPA, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cáo buộc Nga “đang phá vỡ hợp đồng và đổ lỗi cho bên khác”, đồng thời cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “chơi trò hai mặt”.
Ông Simone Tagliapietra, chuyên gia năng lượng tại Tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels (Bỉ), cho rằng động thái cắt giảm mới nhất của Nga không bất ngờ. “Nga đang chơi một trò chơi chiến lược. Việc làm thất thường dòng chảy khí đốt vốn đã thấp sẽ tốt hơn là cắt đứt hoàn toàn, vì điều đó thao túng thị trường và tối ưu hóa tác động địa chính trị”, ông Simone Tagliapietra bình luận.
Không có “kế hoạch B”
Thời gian qua các chính trị gia ở châu Âu đã liên tục cảnh báo Nga có thể cắt đứt dòng chảy khí đốt trong mùa đông sắp tới. Tuần trước Thủ tướng Olaf Scholz của Đức, quốc gia phụ thuộc đáng kể vào khí đốt Nga, cáo buộc Matxcơva “vũ khí hóa” năng lượng.
Nỗi lo đã khiến Ủy ban châu Âu đề nghị các nước thành viên EU cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong mùa đông, nhưng nhiều nước phản đối kế hoạch này vì cho rằng không công bằng. EU đã buộc phải soạn thảo lại kế hoạch cắt giảm để đưa vào các miễn trừ cho nhiều quốc gia và ngành công nghiệp. Ngày 26-7, bộ trưởng năng lượng các nước EU đã họp và đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc cắt giảm tiêu thụ khí đốt 15%.
Báo Financial Times dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao tại EU nói về tầm quan trọng của thỏa thuận này: “Hiện tại không có kế hoạch B. Điều quan trọng là chúng ta phải cho thấy EU vẫn đoàn kết trong những thời điểm khó khăn như thế này và chúng ta sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất”.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận việc thiếu khí đốt sẽ làm gián đoạn một số chuỗi sản xuất nhất định ở Đức và châu Âu. “Cần phải tránh điều này bằng mọi giá. Đây là lý do Đức phải giảm lượng khí đốt tiêu thụ 15 – 20%”, ông Habeck nói vào hôm 25-7.
Ông nhận định Đức đang trong “tình hình nghiêm trọng” và đến lúc nước này phải giảm tiêu thụ khi lượng khí đốt Nga cung cấp giảm xuống. “Giờ đây, tất cả sẽ phụ thuộc vào khả năng tiết kiệm của chúng ta”, ông phát biểu khi nói về các kịch bản có thể xảy ra trong mùa đông. Ông cũng lưu ý có một số nguồn cung khí đốt khác từ Hà Lan và Na Uy.
Ông Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại Công ty tư vấn ICIS, bình luận nếu đợt cắt giảm nguồn cung mới nhất của Nga kéo dài thì nó sẽ buộc chính phủ các nước châu Âu nỗ lực hơn nữa “để khuyến khích cắt giảm nhu cầu, đặc biệt là từ lĩnh vực công nghiệp”.
Tuy nhiên, hôm 25-7 người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga “không quan tâm” đến việc cắt đứt hoàn toàn dòng chảy khí đốt sang châu Âu. Dẫu vậy ông cũng cảnh báo: “Nếu châu Âu tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế (lên Nga) một cách liều lĩnh, tình hình có thể thay đổi”.
Kịch bản tồi tệ như thế nào khi Nga giảm khí đốt
Theo hãng tin Bloomberg, Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết nếu dòng chảy khí đốt của Nord Stream 1 bị cắt hoàn toàn vào mùa đông lạnh giá thì khí đốt dự trữ của châu Âu có thể cạn kiệt vào cuối tháng 2 năm tới.
“Nếu dòng chảy của Nord Stream 1 giảm xuống mức 0 vào tháng 8, châu Âu chỉ có thể lấp đầy từ 70-75% các kho chứa trước mùa đông. Cả EU kết thúc mùa sưởi ấm với khoảng 10 tỉ m3 khí đốt còn lại và điều này khiến nguy cơ cắt giảm nhu cầu sử dụng sẽ lớn hơn”, Công ty Wood Mackenzie dự đoán