Cảng Hy Lạp thành điểm nóng giằng co giữa ba cường quốc
Từ một cảng gần như bỏ không, Alexandroupoli trở thành cửa ngõ để Mỹ chuyển vũ khí đến Đông Âu, khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bị đe dọa.
Alexandroupoli, bến cảng nằm ở thành phố biển nhỏ phía đông bắc Hy Lạp, từng chỉ là nơi cư trú của những con mòng biển. Nhưng hiện tại, cảng biển này đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực tăng hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Âu, khi Lầu Năm Góc vận chuyển lượng vũ khí khổng lồ tới đây kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Chính phủ Hy Lạp và hầu hết nước láng giềng vùng Balkan, cũng như người dân địa phương đều hoan nghênh động thái này. Họ hy vọng Mỹ sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế và cung cấp bảo đảm an ninh trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.
“Chúng tôi là một đất nước nhỏ bé. Thật tốt khi được một nước lớn bảo vệ”, Yiannis Kapelas, 53 tuổi, chủ một quán cà phê ở Alexandroupoli, chia sẻ.
Tuy nhiên, động thái này của Mỹ khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bất bình. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là thành viên NATO, nhưng từ lâu có quan hệ căng thẳng vì xung đột về đảo Cyprus và tranh chấp chủ quyền ở Địa Trung Hải.
Các hoạt động quân sự của Mỹ ở Hy Lạp đã gia tăng đáng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Các quan chức hàng đầu từ Moskva tới Ankara đều xem đây là mối đe dọa an ninh quốc gia.
“Chúng được thành lập để chống lại ai?”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói hồi tháng 6, đề cập tới các tiền đồn quân sự của Mỹ ở Hy Lạp. “Câu trả lời mà họ đưa ra là để chống Nga. Nhưng chúng tôi không tin điều đó”.
Trong khi hầu hết thành viên NATO đều đứng về phía Ukraine và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, Tổng thống Erdogan lại thể hiện quan điểm ngược dòng, coi Thổ Nhĩ Kỳ là bên trung gian hòa giải trong cuộc xung đột.
Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Hy Lạp tố các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới gần 18 km, xâm nhập không phận trên khu vực Alexandroupoli. Sự việc khiến nhiều người dân địa phương lo ngại về yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ với một số vùng lãnh thổ của Hy Lạp.
Những lợi ích đan xen phức tạp ở Alexandroupoli cho thấy xung đột Ukraine đã chuyển trọng tâm chiến lược của châu Âu đến Biển Đen như thế nào.
“Biển Đen đã trở lại chương trình nghị sự toàn cầu theo cách chưa từng thấy. An ninh Biển Đen là trọng tâm vấn đề về cách kiềm chế và đối phó với Nga”, Ilian Vassilev, cựu đại sứ Bulgaria tại Moskva và hiện là một cố vấn chiến lược độc lập, cho hay.
Athens và Moskva có mối quan hệ văn hóa, lịch sử và kinh tế sâu sắc. Hy Lạp trước đây là một trong số ít nước châu Âu muốn duy trì quan hệ kinh tế với Nga, nhưng xung đột Ukraine đã khiến mối quan hệ đó trở nên căng thẳng.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến nhiều người Hy Lạp nhớ lại lịch sử quốc gia này bị đế chế Ottoman cai trị nhiều thế kỷ và Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn đòi chủ quyền với một số vùng đất của họ. Dòng người Ukraine di tản khỏi quê hương vì chiến sự cũng gợi lại ký ức về những gia đình Hy Lạp chạy trốn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu thế kỷ 20.
“Chúng tôi hiểu rõ nỗi đau của người tị nạn. Chúng tôi không phải phân vân về việc chọn đứng về phía nào”, Dimosthenis Karavoltsos, một người phục vụ quán rượu ở Alexandroupol, nói.
Hy Lạp là một trong những bên đầu tiên gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, khiến Moskva liệt Athens vào danh sách các quốc gia “không thân thiện”. Nỗi sợ về Thổ Nhĩ Kỳ và tình đoàn kết với Ukraine đã đẩy Hy Lạp đến gần Mỹ hơn, cho phép Washington tăng hiện diện quân sự ở một số địa điểm.
Mỹ năm ngoái đã chuyển 3.100 khí tài tới cảng Alexandroupoli, từ xe tăng cho tới đạn pháo, tăng gần 14 lần so với năm trước đó, khi căng thẳng với Nga tăng lên trước chiến sự Ukraine. Lượng khí tài tương tự cũng đã được chuyển tới đây trong năm nay. Giới chức Mỹ nói rằng những thiết bị này chỉ dành cho các đơn vị quân đội Mỹ đóng quân ở Đông và Bắc Âu, không phải cho Ukraine.
Đây được xem là một bước ngoặt lớn đối với cảng Alexandroupoli sau gần một thập kỷ gần như bỏ không. Lầu Năm Góc cũng lắp đặt nhiều thiết bị hạng nặng tại cảng để xử lý nhiều hàng hóa hơn.
“Những gì chúng tôi làm là biến cảng thành một trung tâm quân sự năng động, khác hoàn toàn trước đây”, Andre Cameron, người giám sát hậu cần quân sự Mỹ tại cảng Alexandroupoli, nói.
Quan chức địa phương hy vọng quá trình nâng cấp sẽ giúp cảng thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực công nghiệp khác, biến Alexandroupoli thành trung tâm thương mại cho Bulgaria, Romania và cả Ukraine.
Giá trị chiến lược ngày càng tăng của Alexandroupoli đã làm nổi bật mối quan hệ của Nga với hai tập đoàn Hy Lạp đang cạnh tranh để nắm quyền kiểm soát cảng.
Một tập đoàn thuộc sở hữu của Ivan Savvidis, nhà tài phiệt mang dòng máu Nga – Hy Lạp từng làm việc trong quốc hội Nga và hiện là thành viên ủy ban quan hệ đối ngoại cố vấn cho Tổng thống Vladimir Putin. Ông cũng đang kiểm soát Thessaloniki, cảng lớn thứ hai của Hy Lạp.
Bên còn lại là công ty con của tập đoàn Copelouzos, đối tác của gã khổng lồ khí đốt Nga Gazprom. Hai bên đã cùng nhau tạo nên Prometheus Gas, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ ba Hy Lạp.
Các đối thủ của Dimitrios Copelouzos, người sáng lập tập đoàn Copelouzos, cho rằng mối quan hệ này có thể khiến ông dễ bị chi phối trước áp lực từ Gazprom, ảnh hưởng đến tương lai hoạt động chiến lược của cảng Alexandroupoli.
Các nghị sĩ quốc hội Mỹ cũng lo ngại về mối quan hệ giữa Nga và Copelouzos. Tuy nhiên, giới lãnh đạo tập đoàn cho biết hợp tác với Gazprom chỉ là một phần nhỏ trong danh mục kinh doanh của họ.
“Tập đoàn có nhiều mối quan hệ với các công ty trên khắp thế giới. Prometheus Gas chỉ là một trong số đó và chiếm quy mô tương đối nhỏ”, Ioannis Arapoglou, tổng giám đốc tập đoàn Copelouzos, nói.
Ông lưu ý thêm tập đoàn Copelouzos đang đầu tư vào một dự án kho lưu trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng gần Alexandroupoli, nhằm giảm phụ thuộc của vùng Balkan vào khí đốt của Nga thông qua tăng cường nguồn cung từ Mỹ.
Trong khi đó, công ty quản lý tài sản BlackSummit Financial Group của doanh nhân người Mỹ John Charalambakis cũng quan tâm đến thương vụ mua cổ phần của cảng Alexandroupoli.
Charalambakis cho biết ông bắt đầu để mắt tới cảng Alexandroupoli từ năm 2018, khi đại sứ Mỹ tại Hy Lạp Geoffrey Pyatt lúc đó nói rằng các công ty Mỹ cần cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc ở đây.
Mối quan tâm ngày càng tăng của Washington với cảng Hy Lạp được nhấn mạnh vào ngày 17/8, khi thượng nghị sĩ Robert Menendez, chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại, bất ngờ tới thăm Alexandroupoli.
Hy Lạp đã liên tục tư nhân hóa các tài sản chiến lược kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu vào năm 2009. Cảng Thessaloniki đã thuộc về doanh nhân thân Nga Savvidis, trong khi cảng lớn nhất Piraeus thuộc sở hữu một công ty nhà nước Trung Quốc.
Việc tập đoàn Copelouzos hướng về đối tác Mỹ cho thấy những thay đổi của Hy Lạp, khi nền kinh tế Nga hứng đòn trừng phạt từ phương Tây và mang lại ít cơ hội hơn với họ.
Cách tiếp cận thực tế này được thể hiện rõ nét tại cảng Alexandroupoli. Giới chức và doanh nhân địa phương hy vọng xung đột Ukraine và căng thẳng khu vực sẽ biến cảng thành một cửa ngõ vận chuyển thay thế cho những tuyến hàng hải tới Biển Đen, qua các eo biển mà Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
“Mọi cuộc khủng hoảng đều tạo ra cơ hội”, Konstantinos Chatzikonstantinou, giám đốc điều hành cảng Alexandroupoli, nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)
Nguồn : https://vnexpress.net/