Diện mạo tuyến cao tốc lớn nhất phía Nam sau 8 năm thi công
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng thời gian qua nhiều gói thầu vẫn “đắp chiếu” sau 8 năm thi công.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài gần 58km, vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 7/2014, đi qua các tỉnh Long An, TP.HCM và Đồng Nai. Đây là dự án đường bộ cao tốc dài và lớn nhất miền Nam, dự kiến thông xe cuối năm 2018. Điểm đầu của cao tốc đi qua huyện Bến Lức (Long An) dài gần 5km, kết nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Tại đây, các nhánh đường dẫn kết nối 2 tuyến với nhau chỉ mới xây dựng được một số đoạn, hiện hạng mục này đang dừng thi công.
Tuyến cao tốc giúp giao thông liên vùng phía Tây và Đông Nam bộ không cần “quá cảnh” qua TP.HCM, tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển, sân bay Long Thành. Bên cạnh đó, cao tốc cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, 51. Trong ảnh: Một hầm đường dân sinh chạy dưới vòng cung đường dẫn cao tốc nằm trơ trọi, hai bên chỉ là những ụ đất chưa được đổ bê tông tại nút giao này.
Hiện dự án đã đạt gần 80% khối lượng. Thời gian qua dự án phải dừng thi công do gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về vốn, chủ đầu tư phải xin lùi hoàn thành dự án ở nhiều thời điểm. Tại địa phận huyện Bình Chánh (TP.HCM), cao tốc chạy qua quốc lộ 1A được thiết kế là một nút giao thông lớn gồm cầu vượt và vòng xoay. Hiện cầu vượt đã hoàn thành nhưng một phần đường dẫn hướng đi Đồng Nai, đường kết nối vẫn chưa được thi công.
Nhiều đoạn cao tốc qua huyện Bình Chánh đã gần như hoàn thiện. Toàn bộ tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h.
Người dân trong vùng có thể chạy xe máy để đi tắt ra quốc lộ 1A, các đường dân sinh khi đoạn đường rộng thênh thang chưa được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, hiện trạng các đoạn gần hoàn thiện này đang bị bỏ không, cây cỏ mọc bao trùm nhiều đoạn lan can phía ngoài và bám vào gần nửa làn đường.
Theo ghi nhận, một đoạn cao tốc gần như hoàn thiện dài khoảng 2km có đến hàng chục tấm thép chống loá bị tháo dỡ, nhiều đoạn lan can phía ngoài cũng không còn.
Một nút lớn giao gần Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cũng trong tình trạng thi công dở dang. Nhiều đoạn cao tốc giao cắt với các tuyến đường lớn, quốc lộ, sông rạch vẫn bị đứt quãng, chưa đấu nối với nhau.
Đường dẫn lên cầu Bình Khánh băng qua đường Nguyễn Văn Tạo chỉ mới thi công phần kết cấu. Cầu thang bộ phục vụ kỹ sư, công nhân lên xuống cầu ngừng hoạt động một thời gian khi công trình bị dừng thi công.
Tuyến cao tốc phải xây dựng hơn 20km cầu và cầu cạn do điều kiện địa chất, thuỷ văn phức tạp của các khu vực đi qua. Trong đó, hai hạng mục lớn và quan trọng nhất của tuyến cao tốc là cầu Bình Khánh và Phước Khánh được xây dựng theo kiểu dây văng. Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ (TP.HCM) dài 2,76km, nhịp chính dài 375m, khởi công tháng 8/2015, hiện vẫn chưa được hợp long.
Trong khi đó đoạn cao tốc, cầu đi qua sông Chà và đường dẫn dài hơn 4km nối giữa 2 cây cầu này cũng gần như hoàn thiện khi đã được trải nhựa, kẻ vạch, lắp đặt đèn đường…
Cách cầu Bình Khánh gần 3km là cầu Phước Khánh được khởi công cùng thời điểm, dài 3,1km, nhịp chính dài 300m, rộng 21,7m, bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Hai cây cầu này có điểm nhấn là hai trụ cầu cao 150m (cầu Bình Khánh) và 135m (cầu Phước Khánh), có độ tĩnh không 55m, cho những tàu lớn di chuyển trên sông Soài Rạp và Lòng Tàu.
Hiện tại hai trụ cầu này đã hình thành kết cấu nhưng các nhịp chính vẫn chưa được lắp đặt. Bên trong công trình, hệ thống dàn giáo, cẩu vẫn còn gắn trên trụ nhưng đang nằm bất động thời gian qua.
Nhiều máy móc thi công, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang dọc chiều dài của cây cầu, bị cây cối bao trùm.
Từ cầu Phước Khánh, tuyến cao tốc chạy vào địa phận huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Phần cầu trên địa bàn huyện này hiện đã hoàn thành kết cấu chính.
Hiện tại nhiều đoạn cao tốc chạy qua các khu vực ngập nước tại huyện Long Thành, Đồng Nai các trụ cầu cạn đã được lắp lắp nhịp liền mạch.
Một số đoạn cao tốc đất nền đã được trải đá dăm. Ngoài điểm đầu giao với cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cao tốc này còn giao với đường Vành Đai 3, điểm cuối giao quốc lộ 51 (Đông Nai), rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/